Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

NGUYÊN NHÂN TRẺ ĐI NGOÀI PHÂN SỐNG

Đại tiện ra phân sống là một trong những nguyên nhân khiến trẻ chậm tăng cân. Nếu tình trạng này kéo dài lâu ngày, trẻ có thể còi xương, suy dinh dưỡng do hệ tiêu hóa hoạt động kém hiệu quả, không hấp thu được dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Vậy nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống là gì?

1. Thế nào là đi ngoài phân sống ở trẻ nhỏ?

Đi ngoài ra phân sống là trẻ ăn cái gì là đi ngoài ra cái đó. Khi thực hiện các xét nghiệm cặn dư phân, phát hiện còn các chất đạm, tinh bột, mỡ trong phân khá nhiều. Đây là một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa hay còn gọi là loạn khuẩn đường ruột ở trẻ em.

2. Biểu hiện đi phân sống ở trẻ nhỏ

  • Trẻ đi phân lúc rắn, lúc phân sền sệt hoặc có lúc nước riêng phân riêng.
  • Trong phân sống có nhầy, phân lợn cợn hạt, có bọt hoặc có cả những đồ ăn chưa tiêu hóa được như: hạt, rau củ...
  • Phân sống thường có màu vàng ngả qua xanh (màu giống như dưa cải)

3. Nguyên nhân khiến trẻ đi ngoài phân sống

Ăn bột
Mẹ cho trẻ ăn bột quá sớm cũng là nguyên nhân đi ngoài phân sống ở trẻ

Đầu tiên khi thấy trẻ đi ngoài phân sống - nghĩa là trẻ ăn gì thì đi nguyên cả thức ăn đó, cha mẹ cần phải xem lại cách chế biến bữa ăn đã phù hợp theo lứa tuổi của bé chưa. Một điều quan trọng mà ít bà mẹ chú ý là việc cho trẻ ăn bột sớm, do chất bột không tiêu hóa hết nên rất dễ gây phân sống. Tinh bột được tiêu hóa nhờ men amylaza và ptyalin ở nước bọt, tuy nhiên nước bọt phải đến 6 tháng tuổi trẻ mới tiết ra nhiều.

Chế độ ăn uống không khoa học, thiếu cân bằng chất dinh dưỡng, dư thừa nhiều chất cũng là một nguyên nhân đi ngoài phân sống. Các bà mẹ thường cho con ăn nhiều chất đạm, chất béo... để con lớn nhanh. Tuy nhiên, chế độ ăn không cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng: chất đạm, đường, chất béo, chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định. Nếu chế độ ăn của con có quá nhiều chất đạm, dư thừa chất béo hoặc quá ít rau củ quả có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa do không hấp thụ hết được dẫn đến việc trẻ đi ngoài phân sống.

Việc dùng thuốc kháng sinh liên tục cũng khiến hệ tiêu hóa của trẻ bị tổn thương. Kháng sinh tiêu diệt các vi khuẩn có hại lẫn những lợi khuẩn trong đường ruột, làm giảm khả năng hấp thu dưỡng chất của đường ruột, dẫn đến tình trạng trẻ đi ngoài phân sống, hậu quả là trẻ chậm tăng cân, còi xươngsuy dinh dưỡng.

Môi trường sống không đảm bảo vệ sinh cũng là nguyên nhân khiến hệ miễn dịch của bé giảm công suất hoạt động, suy giảm khả năng chống đỡ bệnh tật, khiến trẻ dễ nhiễm vi khuẩn, virus, ốm và phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị. Từ đó, khiến hệ tiêu hóa của bé bị tổn thương và mắc phải các hiện tượng đi ngoài phân sống, chậm tăng cân.

4. Phân sống ở trẻ nhỏ có đáng lo?

Khi con đi ngoài phân sống, nhiều mẹ cho con uống thuốc cầm tiêu chảy. Điều này rất nguy hiểm vì khi này thức ăn dư thừa bị giữ lại trong ruột, không được thải ra ngoài gây nguy cơ tắc ruột.

Các chuyên gia khuyên rằng, nếu trẻ đi ngoài phân sống, phân rắn, lợn cợn, có nước và đi ngoài từ 1-3 lần mỗi ngày thì không đáng lo. Mẹ chỉ cần chăm sóc trẻ, có chế độ ăn uống phù hợp giúp trẻ tự hồi phục, đào thải độc tố và các chất dư.

Với trẻ từ 0 đến 3 tuổi: Các bậc phụ huynh cần lưu ý hơn nếu con bị đi ngoài phân sống. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, nhưng lại đi ngoài phân sống trong 3 tháng đầu sau sinh và vẫn tăng cận đạt chuẩn thì mẹ không cần điều trị gì, dù con có đi ngoài 4-5 lần một ngày. Những trường hợp này, sau 2-3 tháng con sẽ tự hồi phục và khỏe mạnh. Còn nếu trẻ sử dụng sữa công thức đi ngoài phân sống, mẹ cần nghĩ đến khả năng con không phù hợp với loại sữa đang sử dụng, từ đó có những thay đổi giúp bé dễ hấp thu hơn.

Nếu trẻ đi ngoài phân sống có những biểu hiện thiếu nước, mẹ cần bù nước và các chất điện giải cho trẻ, đồng thời theo dõi các biểu hiện để kịp thời xử lý. Đặc biệt, khi trẻ đi ngoài phân sống hơn 10 lần mỗi ngày, mẹ cần nghĩ ngay đến trẻ bị tiêu chảy cấp.

5. Trẻ đi ngoài phân sống nên ăn gì?

Sữa chua
Có thể cho trẻ ăn sữa chua sẽ kích thích sự thèm ăn và dễ tiêu hóa

Có thể cho trẻ ăn sữa chua sẽ kích thích sự thèm ăn và dễ tiêu hóa. Các bữa ăn chính vẫn phải đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn, trong đó lưu ý thịt gà nạc băm nhỏ cho vào bột cháo sẽ rất tốt cho trẻ tiêu chảy phân sống kéo dài.

Trẻ đi ngoài phân sống trong giai đoạn từ 0- 3 tuổi, trẻ nên ăn các thực phẩm giàu chất dinh dưỡng nhưng dễ tiêu hoá như: cháo ninh nhừ hoặc cháo xay với thịt gà (bò hoặc thịt thăn), cà rốt, khoai tây, bí đỏ... Trong chế độ ăn của con, mẹ tạm thời ngừng cho ăn đồ tanh như: cá, tôm, cua, lươn... Khi phân trở lại bình thường thì có thể cho ăn tất cả các loại thực phẩm khác.

Thức ăn cho con nên nấu nhừ, băm nhỏ để dễ tiêu hóa, chia làm nhiều bữa trong ngày, không nên cho con ăn quá nhiều trong mỗi bữa. Khi đường ruột hoạt động bình thường trở lại, mẹ nên cho con ăn từ từ để theo dõi.

Một điều lưu ý với các bà mẹ là nên cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bột từ tháng thứ 7 và cần cho ăn từ từ từng ít một, từ bột loãng đến đặc để trẻ thích nghi dần với chế độ ăn từ bú mẹ sang ăn tinh bột. Việc dùng men tiêu hóa chỉ có tác dụng nhất thời, nếu không cải thiện, phụ huynh nên đưa bé đi khám chuyên khoa nhi để được tư vấn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét